Trekking Cửa Tử - suối nước mát lạnh nằm khuất trong rừng sâu chỉ với 490k/người
- Người viết: Nguyễn Trường Thi lúc
- NEWS FEED
Cửa Tử là một địa điểm không còn mới, nhưng tính hoang sơ vẫn còn được giữ gìn vẹn toàn cho đến tận bây giờ, chưa có nhiều dịch vụ phát triển ở đây, dường như là một điểm đến không thể bỏ qua nếu như bạn là một fan của trekking đấy nhé!
Suối Cửa Tử nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 45 km, thuộc xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ. Xã nằm ở phía tây của huyện và thuộc vùng núi Tam Đảo, tiếp giáp với đỉnh cao nhất của dãy núi này (1.590 m). Đây cũng là xã ngã ba ranh giới giữa ba tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang. Một dòng suối chảy từ dãy Tam Đảo xuống, dọc theo chiều dài của xã rồi đổ vào sông Công, đó là Cửa Tử.
Nước cực trong và sạch
Nằm cách trung tâm tp Hà Nội không xa (110km), nhưng điểm đến Cửa Tử luôn hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ đam mê Trekking, chắc chắn không thể bỏ qua một nơi đầy thử thách và mạo hiểm để chinh phục, khám phá trong những ngày hè sắp tới.
Cửa Tử là một địa điểm không còn mới, nhưng tính hoang sơ vẫn còn được giữ gìn vẹn toàn cho đến tận bây giờ, chưa có nhiều dịch vụ phát triển ở đây, nhưng thử thách và khó khăn vẫn luôn vẫy chào những bạn trẻ ưa mạo hiểm thích khám phá về những miền đất hoang vắng, dường như là một điểm đến không thể không đến nếu như bạn là một fan của trekking đấy nhé!
Nơi đây dòng suối mát xanh nằm lọt thỏm giữa núi rừng bao la
Để đến được dòng suối trong mát này, bạn phải vượt qua các cung đường khá hiểm trở, cần có người dẫn đường và các phương tiện hỗ trợ cần thiết (áo phao, áo mưa, ủng, găng tay, miếng dán nhiệt) mới có thể vượt qua núi rừng một cách an toàn.
Anh Tùng là người có nhiều kinh nghiệm sau nhiều lần cùng bạn bè cũng như dẫn khách vào khám phá Cửa Tử. Anh cho biết: ”Cửa Tử 1 là một vụng nước dài và sâu, nước lạnh và trong chảy giữa hai bên vách đá, có một hòn đá vàng to nằm vắt ngang qua suối, bên dưới hòn đá là một thác nước nhỏ. Đường đi đến Cửa Tử 1 khá dễ dàng phù hợp cho các bạn đi picnic, cắm trại, chụp ảnh check in.
Từ Cửa Tử 2 đến Cửa Tử 7 dành cho các trekker thích mạo hiểm và khám phá. Thác máng nằm giữa Cửa Tử 2 và Cửa Tử 3, là máng trượt bằng đá do nước chảy đá mòn ngàn năm tạo thành. Tiếp tục đi sâu vào trong sẽ gặp các thác nước dội từ trên cao tung bọt trắng xóa. Để đến được các thác nước cao nước cao và đẹp có chỗ phải đi đường rừng rậm rạp, trơn trượt và ẩm ướt.
Muốn khám phá hết các cửa theo Tùng phải xuất phát từ 6h30 sáng may ra mới đi hết, đa phần du khách chỉ đi hết Cửa Tử 1 là quay ra. Quá trình chinh phục Cửa Tử cũng nhất thiết phải cần có người dẫn đường vừa đảm bảo an toàn vừa được hướng dẫn cụ thể đường đi một cách cẩn thận nhất.”
Món ăn dân dã tại chỗ nhưng không kém phần "đầy đủ" nhỉ
Băng rừng lội suối khá nguy hiểm nhưng không kém phần hào hứng.
Sau khi vượt qua 10km rừng núi, thiên nhiên tươi đẹp hiện ra trước mặt. Suối nước trong veo, in hình bóng cây, tạo nên dòng nước trong xanh mát mẻ ( 15~20 độ). Để đi đến thượng nguồn, bạn buộc phải đắm mình trong dòng nước lạnh kia.
Một suối nước trong xanh tạo thành “cầu trượt” tự nhiên
Vượt suối lên thượng nguồn
Cảm giác thích thú nhất chính là khi vượt qua những tảng đá lớn trơn trượt, những cây cầu nhỏ bằng gỗ bắc qua phiến đá, rồi nhìn thấy một vùng nước trong mát, với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ tráng lệ chắc chắn không thể nào làm bạn được quên nơi này.
Cầu gỗ bắc qua khe suối
Dòng nước trắng xóa từ trên cao hơn chục mét tuôn xuống vụng nước làm những đám hơi nước bốc lên mù mịt. Nước mát lạnh như chảy ra từ trong hang núi. Ngâm mình một lát trong nước đã thấy lạnh tê người dù đang giữa mùa hè.
Trượt thác không thua gì công viên nước nhé
Cửa Tử vẫn còn hoang sơ, mộc mạc, đường đi đến đây hiểm trở, khó khăn nhưng không ngăn được bước chân người. Hành trình dài trekking đem lại những cảm giác tuyệt vời, dù có vất vả khó khăn nguy hiểm, nhưng cảnh vật mà thiên nhiên ban tặng cho con người thật quá đỗi tráng lệ bởi sự hùng vĩ hoang sơ mà nó đem lại.
Check-in suối xanh “sống ảo”
Ngoài vượt suối thác cheo leo giữa rừng, bạn còn có thể chinh phục biển mây Mâm xôi. Ngắm nhìn mây bao phủ ôm trọn không gian rộng lớn, che kín những đỉnh núi cao ở phía xa.
Biển mây mâm xôi mây mù giăng lối
Nếu có đủ sức khỏe để mang vác theo cuộc hành trình Trekking leo đèo vượt suối cả ngày dài thêm những thiết bị chụp ảnh chuyên dụng, thì đây là những gì bạn nhận được sau khi “phơi” đêm để bắt được cảnh trời sao lung linh này nhé.
Phơi đêm ở Cửa Tử
Sau một ngày hành trình vất vả, cắm trại qua đêm trong rừng vắng để tận hưởng bầu trời sao ở một nơi không có ảnh điện thành phố, mới thấy được hết cái vẻ đẹp của thiên nhiên từ sáng cho đến đêm, ca hát quanh đốm lửa, trò chuyện cùng bạn bè cũng hết ý luôn nhé.
Nhóm lửa trại giữa rừng
Hè đến rồi, một điểm đến hấp dẫn và hoang sơ đang chờ những bước chân của các bạn trẻ thích khám phá và mạo hiểm, đặc biệt cảm giác ngâm mình dưới dòng suối mát lạnh ở Cửa Tử, chắc chắn giúp bạn quên đi ngay cái nóng ngày hè oi ả miền Bắc.
Thông tin tour trekking Cửa Tử do anh Tùng trực tiếp làm tourguide
"Cửa là một nơi rất đẹp, hoang sơ và những nơi đẹp như vậy độ khó sẽ tỉ lệ thuận với độ đẹp. Chúng ta vào thác Cửa Tử là trekking chứ không phải check-in, nên tinh thần tự giác cá nhân, ý thức tập thể là rất quan trọng, chúng ta hoạt động trên nguyên tắc theo lợi ích số đông và tránh cá nhân làm ảnh hưởng đến cả đoàn, vì vậy, anh/ chị/ em chú ý khi di chuyển trên đường tuân theo lead của các bạn nếu độc hành thì liên hệ với lead bản địa để ghép đoàn. Khi trekking tuân theo hướng dẫn của lead địa phương.
1. Lịch trình
- Tuy cách HN có 120km thôi nhưng lịch trình phù hợp là 2N1Đ, 3N2Đ tuỳ điểm trek. Đi để tận hưởng ngắm cảnh, chứ không phải cắm đầu hùng hục đến đích.
2. Di chuyển trên đường trường
- Bảo dưỡng, kiểm tra kỹ xe cộ, thay dầu, đổ đầy bình xăng trước khi đi lên đường.
- Khi đi trên đường không được vượt leader và không được tụt lại sau người chốt đoàn.
- Mũ bảo hiểm full face hoặc ¾, nên mang khẩu trang, kính chống bụi, giáp tay, giáp chân, dán miếng phản quang ở mũ bảo hiểm, đuôi xe, mặc áo phản quang khi di chuyển vào ban đêm.
3. Đồ trekking cho đoàn lead địa phương chuẩn bị
- Áo phao (đã nhiều hơn một lần tôi nhắc vấn đề này vì nó đảm bảo an toàn cho các bạn)
- Một sợi dây chuyên dụng dài 50-60 mét, dài hơn càng tốt, bật lửa, dao, còi nhựa, đồ cứu thương.
4. Đồ trekking cá nhân
- Ba lô trekking chống nước, quần bơi, kính bơi, mang thêm một bộ quần áo để thay sau khi bơi
- Giày trekking, nếu không muốn bị ngã sml (tôi ngã rồi may vẫn còn răng)
- Khăn rằn, khăn đa năng vừa làm đẹp vừa có thể thấm mồ hôi hoặc làm khăn tắm
- Một chiếc mũ lưỡi trai hoặc mũ tai bèo, bảo vệ đầu gối, khuỷu tay (cái này dân tập gym hay có)
5. Homestay
- Homestay cũng là nhà lead bản địa, người sẽ đồng hành với các bạn, ngủ lều, ngắm sao trên nóc homestay nếu bạn thích
- Căn bếp rộng, các bạn có thể vào bếp tự phục vụ
- Phòng tắm, phòng vệ sinh, phòng thay đồ sạch sẽ
- Hệ thống nước sạch được dẫn từ mạch nước đầu nguồn giữa lưng chừng núi, hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời
- Vườn rau sạch, gà đồi, thưởng trà, uống trà
- Sau khi trekking về cảm thấy chưa muốn nhà các bạn có thể ở lại đến lúc chán thì thôi
- Trải nghiệm hái chè, chế biến chè, các bạn có thể mang những sản phẩm này về mà do chính bàn tay các bạn làm
- Yêu cầu giữ vệ sinh chung, trật tự, không ồn ào
Homestay của anh leader này các bạn
6. Đồ ăn
Do chính lead bản địa đã chuẩn bị, các bạn tự chuẩn bị thêm đồ ăn vặt theo khẩu vị cá nhân
7. NÊN và KHÔNG nên
- KHÔNG mặc quần bò hoặc quần áo chật khi vào rừng nên, quần bò bị ngấm nước sẽ rất nặng ảnh hưởng đến việc leo trèo, bơi lội
- KHÔNG đi dép tông, dễ trơn trượt
- KHÔNG uống nước suối chưa được đun sôi vì nước có thể có ký sinh trùng và nguyên bào gây bệnh
- KHÔNG tự ý tách đoàn đi theo nhóm riêng hoặc đi 1 mình trong rừng mà không được sự đồng ý của lead, bạn không biết cảm giác bị lạc trong rừng đáng sợ thế nào đâu (tôi bị rồi).
- NÊN mang theo 2 đôi găng tay hạt hoặc găng tay len,1 đôi tất loại dài để thay
- NÊN mang những đồ ăn nhẹ nhưng nhiều năng lượng, carbonhydrate ví dụ: nho khô, mít sấy, socola, rẻ tiền hơn thì bánh mì chấm sữa đặc, đồ hộp
- NÊN mặc nhiều lớp quần áo mỏng để giữ nhiệt và dễ cử động.
- NÊN mặc đồ bơi khi xuống nước, để giày dép trên bờ để việc bơi được linh hoạt
- NÊN áp dụng câu thành ngữ “ăn cỗ đi trước lội nước theo sau”
- NÊN ăn uống no đủ, ngủ sớm để lấy sức hôm sau trek
- NÊN dùng thêm 1 túi nilon bọc kỹ các đồ quan trọng như điện thoại, đồ điện tử khi để trong túi/balo chống nước, vì balo chống nước vẫn có thể bị vào nước sau 1 quá trình bơi lội dưới nước
- NÊN mặc đồ mau khô, mặc bộ quần liền áo hoặc áo dài quần dài để tránh xước xát chân tay
NGUỒN : www.tripnow.vn